Vốn ODA: Tốt vay, dày nợ


Sau FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), Chính phủ Nhật Bản rất chú trọng nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ chính thức). Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho các tập đoàn của họ tham gia vào các dự án ODA có sinh lời tại chỗ”, GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.     Đọc E-paper

                                                                                            

* Theo ông, ODA chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng vốn nước ngoài vào Việt Nam?

 

- Theo báo cáo của Hiệp hội Đầu tư, thời điểm này, Việt Nam có khoảng 2 tỷ USD vốn thực hiện là vốn ODA, 10 - 11 tỷ USD là vốn FDI, con số không rõ ràng và biến động mạnh là vốn đầu tư gián tiếp qua sàn chứng khoán.

Như vậy, kể cả vốn ODA, FDI và vốn qua chứng khoán, vốn dài hạn của nước ngoài là 14 - 15 tỷ USD, chưa kể vay thương mại, vay nhập khẩu máy móc... con số đó nếu so với tổng đầu tư xã hội, chiếm khoảng 30 - 35%.

* Về cách Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA, ông có nhận định gì?

- Nhìn vào đánh giá của hai cơ quan cấp vốn ODA lớn nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), so với nhiều nước, sử dụng ODA của Việt Nam được đánh giá cao hơn, thực hiện cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, có mấy chuyện các ông bộ trưởng nên đặt vấn đề khác hơn.

Thứ nhất, hiệu quả sử dụng vốn ODA chưa cao. Giá thành một km đường cao tốc của Việt Nam xây bằng vốn ODA cao gấp 2,5 lần của Mỹ, nếu Mỹ là 5,7 triệu USD thì Việt Nam là 13 - 14 triệu USD/km. Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải) Đinh La Thăng nói đền bù, giải tỏa mặt bằng chiếm tỷ lệ cao, nên các chi phí không thể so sánh được. Tôi không tán thành cách lập luận này.

Thứ hai, ODA có phần viện trợ không hoàn lại, nhưng 85-90% là hoàn lại. Khi vay vốn ODA cần lưu ý hai điều. Vay bằng USD lãi suất thấp nhưng rủi ro cao khi tỷ giá biến động, đồng USD tăng giá, giá trị phải trả nhiều hơn. Nếu vay đồng yen và trả bằng USD thì tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD cũng là vấn đề lớn, nhất là khi đồng USD tăng giá. Việt Nam vay vốn của Nhật Bản, tỷ giá là 140 - 150 yen/USD, khi trả chỉ có 105 - 110 yen/USD, chúng ta phải cõng khoảng chênh lệch ấy.

                              Cầu Cần Thơ - một trong những dự án xây dựng bằng vốn ODA

Thứ ba, Nhà nước giao cho các bộ, doanh nghiệp nhà nước quản vốn ODA, Bộ Giao thông - Vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được rất nhiều. Nhưng nếu các đơn vị này không trả được các khoản vay, Nhà nước phải trả và cái đó hiện nay rất tù mù. Mỗi năm, cả vốn và lãi phải trả là 1,5-2 tỷ USD. Ngân sách giành cho trả nợ nước ngoài ngày càng tăng, con số vay nợ nước ngoài của Chính phủ trên GDP dao động từ 65-90%.

Thứ tư, nhiều người nghĩ ODA là "của trời cho" nên quản lý lỏng lẻo, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ. Tôi tán thành giải pháp của Bộ Giao thông - Vận tải gần đây, xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ, giám sát chất lượng chặt hơn.

* Sử dụng vốn ODA không hiệu quả, nhưng Chính phủ vẫn rất chuộng vốn ODA, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp nhưng các nước vẫn dành ưu đãi cho Việt Nam, được vay ưu đãi với lãi suất 0,5 - 10%, thời gian ân hạn 15 - 20 năm chỉ giành cho những nước thu nhập thấp. ODA có tác động quan trọng trong việc kích hoạt FDI, ở đâu có ODA, ở đó có FDI và đó là lý do khiến các nước quan tâm, dành viện trợ ODA cho Việt Nam.

Vấn đề là sử dụng ODA hiệu quả chứ không phải ở chuyện hạn chế vay. Tuy nhiên, khi vay phải tính toán kỹ để đồng vốn ODA có lợi hơn. Tôi nghĩ, cần quy định một tỷ lệ lãi suất hợp lý từ nguồn vốn ODA cho các doanh nghiệp vay, tiến tới giành một phần ODA cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, để họ có thể tận dụng những ưu đãi của ODA thông qua việc trả lãi cho Chính phủ.

* Cảm ơn ông!

HẢI VÂN thực hiện

 

Tin tức khác