Tương quan kinh tế Việt Nam - Trung Quốc


Trung Quốc có lợi thế rõ rệt về quy mô kinh tế, dự trữ ngoại hối nhưng lại gặp bất ổn về năng lượng, lương thực, khiến họ phải đẩy mạnh thu mua từ Việt Nam và các nước láng giềng khác.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với lượng dự trữ ngoại hối lên tới 3.800 tỷ USD, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đất nước này đang gặp nhiều vấn đề về an ninh năng lượng, lương thực khi quy mô dân số quá đông.

Xem chi tiết tương quan kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay dân số nước này hiện trên 1,3 tỷ người, gấp gần 15 lần dân số Việt Nam. Với trữ lượng dầu mỏ khoảng 24,4 tỷ thùng theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), mỗi người dân Trung Quốc chỉ được sở hữu khoảng 19 thùng dầu, thua xa Việt Nam - quốc gia đứng sau Trung Quốc về trữ lượng dầu mỏ trong khu vực Đông Á (bình quân 49 thùng dầu/người). Hoàn cảnh này đẩy Trung Quốc vào vị trí quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ và nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, lượng lúa gạo sản xuất trong nước cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến Bắc Kinh đứng trước nguy cơ phải nhập khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng một nửa.

Không ngừng thu mua nông sản và nhập khẩu tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam, song Trung Quốc không phải là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu khi vốn FDI của quốc gia này vào Việt Nam chỉ chiếm 3%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do Trung Quốc đã hiện diện chủ yếu trong các dự án đầu tư với vai trò nhà thầu. Báo cáo của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi đầu tháng 4/2014 cho biết cứ 20 dự án nhiệt điện tại Việt Nam thì 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu.

Phương Linh

 


Tin tức khác