Nghĩ về sự chuyên nghiệp


Người ta bàn nhiều về ích lợi của sự chuyên nghiệp trong kinh doanh, thương mại. Sự thực, phạm vi ảnh hưởng của điều đó rộng rãi hơn nhiều.

Gần nhà tôi có một chị bán xôi rất đắt hàng. Không biết chị thường bắt đầu từ mấy giờ, nhưng chỉ khoảng bảy giờ hơn một chút mỗi sáng, ai có tiền muốn ăn xôi của chị cũng khó.

Xôi của chị không ngon hơn nhiều so với các hàng xung quanh. Giá tiền đúng là có “mềm” hơn một chút, song không đáng kể. Nhưng cái “gia vị gây nghiện” nhất khiến người mua không quên được là rất nhiều nụ cười tươi tắn được “nêm nếm”, được “tẩm ướp” trong mỗi hộp xôi chị bán.

Người mua 3 hộp, 5 hộp, hay chỉ 1 hộp, nụ cười của chị cũng đều vui vẻ như thế. Tôi từng chứng kiến, chị bình tĩnh, nhẹ nhàng tìm đủ tiền lẻ trả lại khi người mua đưa trả tờ tiền mệnh giá tới 200 ngàn chỉ để mua hộp xôi 6 ngàn đồng. Trong khi đó, cả dăm bảy người khác đang nôn nóng chờ đợi.

Không vội, không rối, và quan trọng hơn, không vì cái lợi mà quên đi phép ứng xử nhã nhặn cần có. Cái mà chúng ta vẫn thường gọi là “chuyên nghiệp” trong kinh doanh. Vậy nếu trong đời sống thì gọi là gì nhỉ? Chắc cũng có thể coi là một tố chất “chuyên nghiệp” trong đối nhân xử thế.

Cái gọi là chuyên nghiệp không chỉ là sự thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp, nó còn là cái phông văn hóa, cái nền đạo đức, là tri thức thực sự về hành xử tích tụ và rèn giũa mà thành

Lại nhớ hồi trước, ở ven hồ Thiền Quang (Hà Nội) có một bà lão cũng bán xôi. Sáng nào chõ xôi của bà cũng là điểm “hút khách” nhất. Tôi từng có lần tận mục sở thị phong cách “pờ-rồ” của bà cụ khi phục vụ “thượng đế”: “Của bác này xôi đỗ”, “Của bác kia xôi lạc”, “Bác cho tôi xin mười lăm ngàn”, “Con cho bà xin hai mươi ngàn”, v.v... Cả chục người mua tới tấp, nhưng chỉ cần đưa tiền và nói nhu cầu, sau đó chờ một lát, bà sẽ trao hàng tận tay, không nhầm lẫn của ai, không tính lầm cho ai.

Cứ thong thả, nhẹ nhõm và chính xác, hàng xôi của bà cụ là chỗ ai đã tới, thật khó chỉ ghé một lần. Không biết như vậy có gọi là “chuyên nghiệp”?

Lại một lần khác tôi đặt mua chiếc bánh pizza cho con trai. Lúc trả tiền, tôi thoáng bối rối vì không có tiền lẻ. Chiếc bánh giá 180 ngàn đồng, trong khi ví tôi lúc đó chỉ toàn tiền 50 ngàn và 100 ngàn.

Thấy thái độ của tôi, người đưa bánh chìa ngay tờ bạc 20 ngàn đồng và bảo: “Chị đưa em 200 ngàn là vừa đúng rồi. Em có chuẩn bị sẵn đây”. Tôi rất ngạc nhiên vì sự chu đáo ấy.

Rõ ràng, người đưa bánh đã gặp những tình huống tương tự vài lần rồi. Điều quan trọng hơn, họ tạo cho người mua cảm giác thoải mái và thuận tiện nhất có thể. Bài học về tờ 20 ngàn đồng hôm ấy luôn nằm trong trí nhớ của tôi. Và hẳn nhiên rồi, cả tên cửa hàng và số điện thoại của quán bánh pizza ấy cũng thế.

Dịp gần đây tôi ghé nhà làm việc với một bác giáo sư lớn tuổi. Vì tuổi cao, bệnh tật, lại bị tai biến liệt hai chân, rất nhiều việc bác phải nhờ cô thư ký giúp. Nói là giúp nhưng ai cũng biết cô ấy được trả lương theo tháng để hàng ngày đảm nhiệm công việc trong giờ hành chính.

Vậy nhưng không ít người đã bị cô này “hành” theo đúng nghĩa đen khi tới làm việc cùng giáo sư. Không chỉ cư xử bất nhã với khách đến nhà làm việc, người phụ nữ này còn tỏ thái độ bẳn gắt, thiếu tôn trọng ngay cả với vị giáo sư, người mà chỉ xét về tuổi tác, cũng đáng bậc ông, bà cô ấy. Nếu cứ nhìn cách cư xử của cô, người ta sẽ nghi ngại rằng, hình như cô ấy chưa từng được đào tạo để làm thư ký. Tệ hơn nữa, hình như cô ấy còn thiếu cả một nền tảng văn hóa sơ đẳng thường ngày.

Ngẫm ra, chuyên nghiệp không chỉ là sự thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp, nó còn là cái phông văn hóa, cái nền đạo đức, là tri thức thực sự về hành xử tích tụ và rèn giũa mà thành.

 

DƯƠNG KIM THOA

 


Tin tức khác