Nếu so sánh với thập niên trước đây thì công việc của thầy thuốc điều trị bệnh tiểu đường rõ ràng nhẹ nhàng hơn xưa. Lý do là vì kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị đã được cải thiện rất nhiều.
Nói cụ thể hơn, thuốc hạ đường huyết đang lưu hành tác dụng nhanh, mạnh, kéo dài và ít phản ứng phụ hơn thuốc thời trước. Nhưng điểm nghịch lý xưa nay trong bệnh tiểu đường vẫn tiếp tục tồn tại. Đó là tỷ lệ di chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường vẫn không giảm, thậm chí tăng!
Thống kê năm 2010 của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, khi so sánh với dữ liệu trong 3 năm vừa qua, cho thấy:
* Số người nhồi máu cơ tim vì bệnh tiểu đường không giảm, trong số đó tỷ lệ tử vong lại cao gần gấp đôi so với số trường hợp phải xuôi tay theo định mệnh vì lý do khác.
* Số bệnh nhân tuy được điều trị đúng bài bản nhưng mù mắt vì thoái hóa võng mạc tăng 5%.
* Số nạn nhân phải đoạn chi vì hoại tử đầu chi do thuyên tắc mạch máu tăng 20%!
Điều đó cho thấy thuốc hạ đường huyết dù hiệu quả thế nào, vẫn chưa là giải pháp rốt ráo. Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, thầy thuốc đều rõ là di chứng trong bệnh tiểu đường như cao huyết áp, đục thủy tinh thể, suy thận, viêm da, hoại tử mô mềm... tùy thuộc vào mức độ dao động của lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh là những người tuy có đường huyết hơi cao hơn định mức bình thường nhưng ổn định ít bị biến chứng hơn đối tượng có lượng đường trong máu trồi sụt quá thất thường, lúc quá cao, khi quá thấp.
Từ nhận thức đó, nhiều thầy thuốc coi trọng quan điểm sinh học đã từ lâu tìm về cây thuốc như Nhàu, Hoài sơn, Câu kỷ tử, Mạch môn... và hoạt chất sinh học như alpha lipoic acid, kẽm... để tận dụng công năng "2 trong 1" vừa hỗ trợ cho tác dụng của thuốc đặc hiệu, vừa bảo vệ các mặt trận hở sườn trong bệnh tiểu đường như mạch máu, thận, mắt, não, da...
BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG - TRUNG TÂM ĐIỀU TRỊ OXY CAO ÁP, TP.HCM