Trong phiên làm việc sáng 4/6 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Báo cáo của Chính phủ xác định rõ xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với mục tiêu trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Báo cáo cho biết: Dự án sân bay Long Thành dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến là 5,2 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025.
Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.
Giai đoạn 3, hoàn thành mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm; 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2050.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự án quan trọng này.
Nhất trí cao về chủ trương
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Đại diện cho địa phương nơi triển khai dự án, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá, sân bay Long Thành thực ra là một dự án thành phần của quy hoạch hàng không nói riêng và quy hoạch giao thông cả khu vực phía Nam nói chung, nhưng từ lúc triển khai nghiên cứu đến nay đã 10 năm mà mới bàn quyết định có đầu tư hay không là hơi muộn.
“Các dự án thành phần khác đã và đang thực hiện, giả dụ Quốc hội quyết không làm, thì quy hoạch có bị phá vỡ, có lãng phí hay không”, ông Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay tận dụng sân bay Biên Hòa đều là tầm nhìn ngắn, và dự án sân bay Long Thành với những đánh giá sâu hơn mới thể hiện tầm nhìn dài hạn.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết chủ trương nhất quán từ lâu của TP.HCM là không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mà phải xây sân bay mới ở xa trung tâm.
“Tình trạng quá tải hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa 25 triệu khách/năm sẽ sớm là trở lực cho cả vùng kinh tế sôi động nhất cả nước hiện nay. Chưa bàn tới vấn đề quy mô hay hiệu quả, nhưng không thể làm chậm một sân bay Long Thành, thậm chí có thể phải sớm hơn thời điểm 2025 dự kiến”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là bất khả thi bởi về lâu dài không có sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư, việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng là bất khả thi. Và nhất là, theo quy hoạch vùng đô thị Tp.HCM thì không có mở rộng Tân Sơn Nhất.
Thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn, ông Lịch nói chưa bàn đến chi tiết dự án khả thi nhưng trước mắt nếu làm chậm sân bay Long Thành thì Tân Sơn Nhất sẽ quá tải mà không trở tay kịp. Bởi thế đại biểu Lịch cho rằng có thể đẩy nhanh tiến độ để sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 sớm hơn 2025 như dự tính.
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị có thể rút ngắn thời gian khởi công sớm hơn 2018, có thể 2016 hay 2017.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nhận xét, quyết định chủ trương đầu tư là đúng “điểm rơi” trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Các nước trong khu vực cũng đều đang tham vọng làm mô hình này và chúng ta không thể chậm hơn nữa. Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất là hiện hữu và việc đưa sân bay ra ngoài TP.HCM là tất yếu khi biểu đồ dự báo lượng hành khách những năm 2015-2030 tăng mạnh.
Sân bay Long Thành sẽ không có đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) khẳng định. Ông Bình cũng đề cập viễn cảnh khi có sân bay này Việt Nam sẽ là điểm hội tụ các văn phòng điều hành của trung tâm đa quốc gia và thu hút nhiều hoạt động quốc tế khác.
Băn khoăn phương án thực hiện
Tuy bày tỏ sự nhất trí cao, song các đại biểu cũng không quá lạc quan về hiệu quả đầu tư cũng như tiến độ triển khai dự án này.
Đại diện của cử tri TP.HCM tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tính toán, điều chỉnh quy mô dự án trong giai đoạn 1, từ vấn đề diện tích đất, quy mô công suất cũng như phương thức thu hồi, giải phóng mặt bằng. Nhưng ông Trần Du Lịch đề nghị tách các dự án thành phần để có cơ sở thu hút vốn, đảm bảo khả thi và để nợ công ở mức thấp nhất.
“Bài toán hiệu quả cần tính toán kỹ càng, lâu dài, còn xây hay không cần phải quyết ngay”, đại biểu bày tỏ.
Tương tự, khẳng định sự ủng hộ song đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị lộ trình tiếp theo cần đẩy mạnh minh bạch hóa, thu hút ý kiến của người dân và tiếng nói chuyên môn xác đáng để người dân tin tưởng, còn hiện nay cách tiếp thu khiến cho mọi người chưa yên lòng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì băn khoăn về hiệu quả đầu tư. Ông dẫn số liệu báo cáo tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của dự án là 24,5%, trong khi đó mức bình quân chỉ hơn 10%.
"Như vậy là quá cao, liệu có “đánh bóng” hay không", đại biểu Ngân đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông cũng “thông cảm vì đây là báo cáo tiền khả thi”.
Một số ý kiến khác tập trung góp ý vào công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Theo các đại biểu, cần xác định đây là công tác khó khăn, nan giải và phải đảm bảo chủ trương lo cho người dân, mặt khác cũng cần quy định rõ tính công khai, minh bạch, tăng cường giám sát để tạo lòng tin của người dân trong triển khai dự án trọng điểm trong điều kiện khó khăn này.
Theo nghị trình, việc bấm nút quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành sẽ diễn ra vào sáng 25/6, trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp này một ngày.
P.V