Ngày 27/12, HUBA sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm để đánh giá các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Dưới đây là nhận định của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HUBA: Đọc E-paper
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA
* Năm 2013 được đánh giá là một năm khó khăn đối với DN, theo ông, nguyên nhân do đâu và những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của các cơ quan chức năng thời gian qua có mang lại hiệu quả?
- Năm 2013 quả là năm khó khăn nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008). Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại nhưng do các biện pháp hỗ trợ chưa đồng bộ, còn mang tính tạm thời, ngắn hạn, chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn nhiều ràng buộc nên chưa thể giải quyết rốt ráo khó khăn cho DN cũng như tác dụng hỗ trợ rất ít.
Từ đó dẫn đến DN suy giảm niềm tin vào chính sách, chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, chỉ hoạt động cầm chừng, tìm cách bảo toàn vốn. Số DN phá sản, giải thể, tạm ngưng hoạt động không ngừng tăng lên. Nguyên nhân dễ thấy nhất là sức mua yếu khiến lượng hàng tồn kho của DN tăng, khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế trong khi ngân hàng lại thừa vốn cho vay...
Bên cạnh đó là thị trường bất động sản vẫn còn trì trệ, chưa có dấu hiệu hồi phục; Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua nhưng chưa có gì mới trong cơ chế thu hồi đất, tái định cư, chưa quy định rõ cơ chế quản lý giá đất, nên khi áp dụng sẽ gây bất lợi cho DN.
Thị trường xuất khẩu cũng còn nhiều khó khăn, DN có vốn trong nước có tỷ trọng xuất khẩu thấp, ưu thế vẫn còn tập trung vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài; tiến độ cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu các DN nhà nước còn chậm.
Về nội lực, hiện nhiều hội ngành nghề quận, huyện đang gặp khó khăn về tài chính và thu hút nguồn nhân lực có tâm huyết phục vụ cho công tác hội, nên HUBA dù mong muốn phục vụ nhiều hơn cho DN nhưng "lực bất tòng tâm".
* Tổng kết lại, HUBA đã có những hoạt động tích cực nào để hỗ trợ thiết thực cho DN, thưa ông?
- HUBA tăng cường đi thăm các DN hội viên để nắm bắt tình hình thực tế của DN; làm tốt vai trò tham vấn chính sách, tổ chức các buổi đối thoại, hội nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN... Các kiến nghị của HUBA đã phản ánh được ý kiến của DN và ngày càng được coi trọng, cũng như nhận được phản hồi tích cực từ các cấp chính quyền.
HUBA cũng đã tổ chức và triển khai nhiều chương trình phù hợp với tình hình thực tế, với chủ trương, chính sách, các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước và 6 chương trình đột phá của TP.HCM nhằm đáp ứng yêu cầu của DN trong tình hình hiện nay.
Chẳng hạn như tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện thành công chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2013...
* Hiện HUBA đã có trên 55 hội ngành nghề, hội DN quận, huyện và câu lạc bộ thành viên, ông đánh giá thế nào hoạt động của các thành viên này trong năm 2013?
- Tính đến tháng 12/2013, HUBA đã có 55 tổ chức thành viên với gần 7.500 DN hội viên bao gồm các hội DN quận, huyện, câu lạc bộ chuyên ngành và 2 Hiệp hội DN nước ngoài là thành viên liên kết (Mỹ, Đức). Điểm nổi bật là các hội DN quận, huyện đã tổ chức thành công các chương trình giao lưu kết nối nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau hoạt động.
Thông qua các chương trình này, các Hội DN và DN thành viên đã đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các hội, câu lạc bộ trong hệ thống HUBA. Một số hội quận huyện, hội ngành nghề và các câu lạc bộ đã có bước khởi đầu tốt, như sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, phát hành thẻ hội viên thân thiết để được giảm giá khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm.
Tuy nhiên, công tác tổ chức ở các hội chưa bài bản, một phần do nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, thiếu kinh phí, trụ sở. Năm nay, tuy kinh tế khó khăn, nhưng các đơn vị trực thuộc HUBA như Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng, Câu lạc bộ Y Bác sĩ tình nguyện, Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực hoạt động vì cộng đồng xã hội, vì DN thành viên đáng được ghi nhận và biểu dương.
* Ông có thể dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 và có lời khuyên nào cho DN?
- Dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2014 có dấu hiệu hồi phục, ổn định trở lại sau khủng hoảng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, như: sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều, chi phí đầu vào tăng cao, khó khăn về nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, việc liên kết thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cho các DN nhiều thời cơ mới.
Kinh tế cũng có thuận lợi như Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, Hiến pháp (sửa đổi) đã đưa vai trò của đội ngũ DN vào Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nhiều điểm mới thuận lợi cho DN.
Hiện Việt Nam đang tập trung triển khai các cam kết, các hiệp định, các chương trình thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối khu vực sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, lành mạnh để các DN hoạt động, mở rộng thị trường, tăng thị phần.
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN phải đề ra được các chiến lược thích ứng, như tái cấu trúc, bảo toàn tốt dòng tiền trong DN, sử dụng tốt nguồn vốn tự có... thì mới có thể cạnh tranh và đứng vững được trong thời gian tới.
Nói tóm lại, năm 2014, do tình hình khách quan và chủ quan, khó khăn vẫn còn, nhưng cơ hội vẫn có để DN có thể phát triển, do vậy, các DN cần có tư duy chiến lược riêng.
* Xin cảm ơn ông!
XUÂN LỘC thực hiện