Bộ Tài chính cam kết sửa ngay quy định hoàn thuế trong tháng 3


(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định kinh phí hoàn thuế không thiếu, nhưng vẫn còn một số quy định gây khó khăn cho DN và người dân khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, các quy định này sẽ được sửa đổi ngay trong tháng 3/2016.

Vừa qua, báo chí đã đăng tải nhiều trường hợp DN bị chậm hoàn thuế, phải vay vốn ngân hàng để hoạt động khiến cho chi phí tăng, sức cạnh tranh bị giảm sút.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện kinh phí trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng tỉnh thừa tỉnh thiếu.

“Hiện nay, TP.HCM chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng Hà Tĩnh số dư tài khoản quỹ này lại còn trên 1.100 tỷ đồng dẫn tới tình trạng dư luận có lúc cho rằng quỹ hoàn thuế không còn để xử lý hoàn thuế”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Trong 2 tháng đầu năm 2016, số lượng hồ sơ DN gửi đến cơ quan Thuế để hoàn cơ bản được giải quyết hết với 3.100 hồ sơ hoàn thuế trên tổng số 13.000 tỷ hoàn thuế. Trong đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, và hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn là 287 hồ sơ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cũng cần phải nói rõ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc chậm hoàn cho tổng số 287 DN nói trên. Trong đó, số DN nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN. Nhưng trên thực tế do chúng ta chưa ban hành quy định cho bù trừ, quy định hiện tại vẫn yêu cầu DN phải nộp hết tiền nợ thuế mới thực hiện hoàn. Hiện có khoảng 20 DN trong trường hợp này. Bộ Tài chính đang gấp rút sửa đổi quy định này và sẽ sửa ngay trong tháng 3/2016 về quy định thực hiện bù trừ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan. Theo đó, trong 287 trường hợp DN bị chậm hoàn thuế, cơ bản hồ sơ hoàn thuế của các DN này không đảm bảo các quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thứ trưởng đưa ra ví dụ như: DN mua hàng hóa của DN không có thực, DN không còn hoạt động sản xuất kinh doanh đã phá sản hoặc giải thể, DN bị  đóng MST hoặc không được sử dụng chứng từ. Nói cách khác hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng… của các DN này không hợp lệ và không đủ  điều kiện đáp ứng yêu cầu hoàn thuế.

Bên cạnh đó, DN không thanh toán qua ngân hàng, hồ sơ hoàn thuế đó đang bị cơ quan điều tra điều tra thì chưa thể hoàn, đợi khi có kết luận điều tra mới được hoàn.

Như vậy, các nguyên nhân trên là do DN chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thuế thì cơ quan Thuế không thể hoàn.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, hiện nay Bộ Tài chính đang gấp rút sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. Cụ thể, đối với DN nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN thì theo quy định hiện hành, DN phải khắc phục bằng cách nộp phạt thì cơ quan thuế mới hoàn thuế cho DN.

“Trong thời gian ngắn tới, Bộ Tài chính sẽ sửa chính sách để hạch toán bù trừ cho nhau. Có thể nói, lỗi này do chính sách chưa đồng bộ và cần phải sửa đổi chính sách đó. Chúng tôi cam kết sửa trong thời gian nhanh nhất, cố gắng trước ngày 15/3/2016 tới”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin.

Đồng thời, để điều hòa linh hoạt hơn quỹ hoàn thuế, Bộ Tài chính sẽ sửa quy định không giao hạn mức cho từng địa phương mà là dự toán cho toàn Tổng cục thuế, đảm bảo không có nơi thừa nơi thiếu.

Theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đã  đặt ra 3 yêu cầu thực hiện trong năm 2016 là cải cách và điện tử hóa khâu hoàn thuế; Thanh tra kiểm tra phải theo nguyên tắc quản lý rủi ro; Xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế. Trên cơ sở đó theo quy định của pháp luật, những DN nào có dấu hiệu rủi ro, vi phạm pháp luật thì mới thực hiện thanh tra kiểm tra, đảm bảo DN thực hiện tốt không phải thanh tra kiểm tra.

 

Thanh Hằng

 

 


Tin tức khác