Không có một công thức chính xác trả lời cho mỗi cá nhân biết mình nên sống thế nào. Tùy vào mỗi hoàn cảnh riêng mà từng cá nhân sẽ kiểm soát cuộc đời dựa trên giá trị sống mà mình đã xác lập cho từng giai đoạn.
Quan điểm trên được ông Giản Tư Trung, sáng lập trường doanh nhân PACE chia sẻ trong buổi trò chuyện học thuật chủ đề "Quản trị cuộc đời và giáo dục khai phóng" diễn ra vào cuối tuần qua.
Ông Trung nhấn mạnh, để quản trị được cuộc đời trước hết mỗi cá nhân cần xác định bản thân mình là ai, hay cụ thể hơn đâu là những giá trị sống mình muốn theo đuổi.
Ngạn ngữ nước ngoài có câu "your life is your choices", tạm dịch là những lựa chọn sẽ tạo nên cuộc đời của mỗi người. Trong cuộc sống hay đặc biệt trong môi trường kinh doanh, mỗi người luôn phải đối diện thường xuyên với việc đưa ra những quyết định. Nền tảng cho những quyết định sáng suốt chính ở việc mỗi cá nhân xác định được đâu là những giá trị sống mà mình muốn theo đuổi.
Giá trị sống của mỗi cá nhân được phản ánh thông qua cách một cá nhân chọn người để lấy, chọn việc để làm, chọn thầy để học và chọn bạn để chơi. Những yếu tố khách quan xung quanh chính là tấm gương phản chiếu những giá trị mà chúng ta lựa chọn cho cuộc sống của chính mình.
Hệ giá trị sống của mỗi người càng sắc nét càng tạo điều kiện để cá nhân đó được tự do trong những quyết định, hành động mà không bị chi phối bởi các tác động lôi kéo từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ông Trung cũng khẳng định nếu bám chặt vào hệ giá trị sẽ đưa bản thân đến sự cực đoan, áp đặt quan điểm và hơn hết là một nhà độc tài trong quản lý. Khi đó, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng nói của chính mình. Điều này đã dẫn đến rất nhiều thảm họa cho nhân loại mà Đức Quốc Xã trong Thế chiến thứ hai là một ví dụ.
Vì vậy, yếu tố quan trọng thứ hai mỗi cá nhân cần có chính là một tâm trí mở rộng, minh mẫn trong phân định "đâu là phải, đâu là trái, đâu là tốt, đâu là xấu. Nếu không minh mẫn, chúng ta sẽ trọng cái đáng khinh mà khinh cái đáng trọng, để cho lộng giả thành chân như những gì đang xảy ra trong xã hội hiện tại".
Không có một công thức, hình mẫu chính xác cho mọi người về việc nên sống một cuộc sống thế nào, nhưng có những quy luật để chúng ta điều khiển cuộc sống của chính mình. Và một tâm trí rộng mở, tỉnh táo trong nhận định sẽ biết đón nhận, giao thoa những luồng quan điểm khác nhau, từ đó tìm ra được giải pháp cụ thể cho mỗi vấn đề của bản thân.
Ông Giản Tư Trung là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Ông cũng đồng sáng lập và điều hành 2 dự án giáo dục phi lợi nhuận: Dự án Sách Hay và Dự án Hạt Giống Lãnh Đạo IPL. Bên cạnh đó, ông cũng chủ trì việc xây dựng hai tủ sách: “Tủ sách Phát triển Giáo dục” (dành cho giáo giới) và “Tủ sách Doanh trí” (dành cho doanh giới).
Đồng thời, ông hiện là Ủy viên Hội đồng Điều hành của Hội Giáo dục So sánh Châu Á (CESA); Nhà nghiên cứu hợp tác của Viện Giáo dục Hồng Kông (HKIEd); và Thành viên của Hội Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ (AERA).
Vì những đóng góp của ông cho giáo dục, ngày 12/3/2013, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã vinh danh ông là "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" (YGL).
LÂM NGHI