Đừng đem tim... bỏ chợ


Điều trị suy tim là chuyện nhiêu khê vì cơ tim một khi đã suy không thể phục hồi. Cách điều trị suy tim tốt nhất là làm sao để đừng suy tim!

                                                                                                                                                                                                                                                               Đọc e-paper

Không thể bỏ qua cơ tim nếu muốn bàn về khả năng chịu đựng của bắp thịt. Với kích thước không lớn hơn nắm tay người lớn, cơ tim phải làm việc ngày đêm không ngừng, kể cả trong giấc ngủ, cho đến giây cuối của cuộc đời gia chủ. Cơ tim tuy vậy nhưng không dễ suy yếu. Ngoại trừ trường hợp dị tật bẩm sinh, suy tim, ngay cả khi là hậu quả của bệnh mãn tính, hiếm khi là chuyện ngày một ngày hai.

Suy tim xảy ra khi cơ tim không còn khả năng đảm bảo hiệu năng bơm máu đi xa và hút máu về tim. Cơ tim khi đó tuy tăng thể tích khiến trái tim có kích cỡ lớn bình thường nhưng lực co thắt lại suy giảm trầm trọng. Máu vì thế ứ đọng ở ngoại biên gây phù nề: trong hệ hô hấp gây khó thở, trên thành tim khiến thiếu máu cơ tim, trên vỏ não làm đột quỵ...

Muốn bảo vệ cơ tim, muốn phòng tránh suy tim cần lưu ý tối thiểu vài yếu tố sau, nói đúng hơn, cần chủ động tạo một số điều kiện thuận lợi để tim đừng phải cố gắng quá nhiều, quá thường xuyên trong lúc vận hành. Đó là:

* Giảm cân nếu béo phì để tim không phải cung ứng một lượng máu với số cầu vượt quá định mức bình thường.

* Vận động thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày để qua đó gián tiếp tập dượt cho trái tim dẻo dai, bền bỉ.

* Tầm soát định kỳ bệnh tiểu đường để đừng bị "đánh lén" bởi căn bệnh mang tên "cơn đại dịch của thế kỷ”.

* Giữ tính đàn hồi cho mạch máu để giảm áp lực ngoại biên khi trái tim làm công việc đẩy máu. Tình trạng này càng nên được lưu ý ở người có huyết áp cao, ở đối tượng có huyết áp số dưới, còn gọi là huyết áp tâm trương, mấp mé chỉ số 100mmHg. Dược thảo có tác dụng kép vừa giãn mạch, vừa bảo vệ thành mạch như Đan sâm vì thế thường có mặt trong bài thuốc dành cho người biết thương trái tim của mình.

* Chống cục máu đông trong mạch vì dòng máu quá đậm đặc, chẳng hạn vì tác hại của stress. Thầy thuốc ngành tim mạch ở Nhật Bản, nơi trong nhiều chục năm trước đây đứng đầu về tỷ lệ nhồi máu cơ tim, ắt hẳn có lý do chính đáng khi áp dụng Nattokinase, men sinh học từ đậu tương, nhằm vừa ngăn ngừa cục máu đông trong lòng mạch, vừa cung cấp dưỡng khí cho tế bào thành tim. Bằng chứng là tỷ lệ thuyên tắc mạch vành ở người còn trẻ ở Nhật giảm thấy rõ trong nhiều thập niên vừa qua từ khi thầy thuốc kết hợp hoạt chất này trong phác đồ điều trị phòng ngừa.

* Cung cấp năng lượng cho cơ tim bằng cách sử dụng các loại chất đạm và khoáng tố cần thiết cho cấu trúc khỏe mạnh của cơ tim như L-Carnitine, Magie. Có thực mới vực được đạo. Muốn tim đua đường dài mà không cho tim ăn no thì đúng là ở ác với trái tim.

* Phân hủy mảng xơ vữa trên thành mạch để cầm chân đúng lúc tình trạng xơ vữa mạch máu, nguyên nhân làm tăng huyết áp và thiếu máu ở vùng mô lân cận. Không thiếu hoạt chất sinh học có công năng này. Berberin trong cây Vàng đằng là một dẫn chứng cụ thể.

Rối loạn chức năng của hệ tuần hoàn nếu không được điều trị trên tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy là đòn bẩy dẫn đến suy tim. Chuyện khi đó chắc chắn nhiêu khê chẳng qua vì chuyện nhỏ lúc đầu xé ra to một cách oan uổng. Có khó lắm không để đối xử công bằng với trái tim?

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG

 


Tin tức khác