Nhớ chợ Tết quê


Ngày xưa, đi chợ Tết quê đối với trẻ con là một niềm vui lớn, nên dù đã nửa đời người nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi, để rồi mỗi khi Xuân về, những hình ảnh vụn vặt không theo thứ tự thời gian lại trở về, trong veo...               Đọc E-paper

Từ nhà ra xóm, nên khu chợ đầu tiên những ngày Xuân tụ họp là chợ xóm. Thật ra đây chỉ là đoạn đường có ba nhà mở tiệm liền kề, vào ngày 29 Tết thì có thêm hai thớt thịt của những nhà trong xóm.

Họ bán thịt cho những người hàng xóm của mình với giá rẻ, nói đúng hơn là chia lại thịt với giá bán buôn. Những nhà này ngày thường nuôi heo, để khi Tết đến thì mổ. Nhà có con heo đủ tạ, nhà có con chưa đủ nhưng cũng hơn năm mươi ký, không phải nhà giàu làm sao dám mổ ra ăn hết.

Thế nên, ngày cận Tết mổ heo, họ lấy cái bàn học của con cháu đem ra khu “chợ xóm” bày thịt ra để bán cho mọi người. Bà con trong xóm không cần đi chợ huyện, chợ xã, cứ đến chợ phiên này để mua.

Ai có tiền thì trả tiền, không tiền thì ghi sổ, đợi ra Giêng bán lúa có tiền trả. Không người bán nào cộng thêm lãi suất dù người mua có thiếu nợ đến tháng Hai. Phần chủ nhà sau khi bán xong, chừa lại khoảng mười ký thịt để dành ăn trong ba ngày Tết.

Thôn quê có cái lạ, người ta đánh giá gia đình ăn Tết lớn hay nhỏ qua nồi thịt heo trong bếp. Nhà nào có bốn, năm ký thịt heo là trung bình, có mười ký là lớn, còn tiền trong tủ có hay không, không cần biết.

Trong xóm cũng có người đi buôn, họ mua dưa hấu ở Trà Vinh về bán lại, dưa lớn tốt đem ra chợ huyện, dưa nhỏ đem về bán ở chợ phiên trong xóm, phương thức thanh toán không được “ưu đãi” như thịt heo vì đây là hàng mua về bán lại, không phải tự sản xuất, nhưng giá cả rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ lớn.

Còn bánh tráng thì chợ này không có bán vì nhà nào cũng có tráng bánh. Còn khoảng mười ngày là Tết, nhà nhà đều chuẩn bị gạo để ngâm, xay thành bột, trong xóm chỉ có một lò tráng bánh gia công, chủ lò ngồi tráng, chủ nhà hứng lấy từng cái bánh đưa lên giàn (đan bằng lá dừa) đem đi phơi, đến lúc khô lấy ra, xếp lại thành từng xấp đem về nhà.

Tiền công tráng bánh không bao nhiêu, nên bánh tráng treo trong gác bếp, trẻ con ra vô lấy ăn thả giàn mà không bị đòn. Ở quê nhà nghèo có ba món thịt heo, dưa hấu, bánh tráng là có đủ mùa Xuân rồi!

Những đứa trẻ nhà quê mỗi lần được ra chợ huyện là cả một thế giới hào nhoáng được mở ra. Chợ huyện đông đảo người đi chợ từ ngày 23 Tết, tức ngày đưa ông Táo về trời. Những món thịt, bánh, dưa hành ở nhà có thể tự cung, nhưng những vật dụng trang hoàng nhà cửa thì phải ra chợ mới có.

Ở quê đa số là nhà lá, vách lá, được dán giấy cho sáng nhà. Giấy rẻ nhất là giấy báo cũ, kế đó là giấy bao xi măng, vừa bền vừa trang nhã vì có một màu, sang hơn hết là giấy màu, nhưng dễ rách.

Vách dán giấy xong thì mua bộ tranh tứ quý hoa quả bình để treo, hay tranh cổ tích. Nào là bộ tranh Thoại Khanh - Châu TuấnTấm - Cámnàng Út ống treLục Vân Tiên... do họa sĩ Lê Minh vẽ. Có người thích tranh truyện Tàu thì mua Tây du kýĐông du bát tiên...

Những hình ảnh trên vách này làm đẹp nhà, trẻ con xem tới xem lui cả năm thuộc nằm lòng mà không cần học. Gia đình có người đi học thì mua bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới về treo, nhờ vậy mà con cháu trong nhà biết nước ta ở châu nào.

Nhà khá giả có bàn thờ phải lau chùi trước Tết, các tủ thờ Gò Công hay tủ thờ Bảo Hà đều được lau bằng dầu dừa để có độ bóng được lâu, những hoa văn chạm khắc rồng phụng trên tủ thờ cũng vậy, bóng lộn màu than đá.

Lư hương, chân đèn bằng đồng được chùi bằng khế tàu, tro trấu, muốn sáng bóng phải khổ công chùi nhiều nước bằng tay, không có dịch vụ đánh bóng lư đồng như ngày nay, khắp nơi đều có.

Chợ họp quanh năm, nhưng chỉ có chợ Tết là có bán quần áo, giày, nón cho bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Các món này làm bằng giấy màu, sản xuất thủ công, người làm chỉ sản xuất trong dịp Tết và bán ở chợ, người mua cũng chỉ mua vào dịp Tết để trang trí trên trang thờ bà cho mới, treo cả năm, đến Tết năm sau.

Trong nhà có đèn măng xông thì phải đi chợ mua vài cái để dành, lỡ bể có cái để thay, những ngày Tết trong nhà phải sáng để tụi nhỏ tụ tập đánh bài, lắc bầu cua. Mấy trò chơi này có tính cờ bạc, người lớn chỉ cho phép chúng chơi ba ngày, hết Tết cấm hẳn. Dù nói này, nói nọ thì với đám trẻ con chúng tôi, các trò chơi này góp phần làm cho không khí Tết thêm rôm rả.

 

LƯƠNG MINH

 

              


Tin tức khác