Cơ hội cho Ấn Độ, Trung Hoa và Indonesia


Châu Á đang trong một thời điểm nhạy cảm lịch sử khi ba quốc gia đông dân nhất Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo mạnh mẽ cấp tiến...                                                                                                                                                                                                                                                     Đọc E-paper

      Tân Tổng thống Indonesia Jokowi được hy vọng sẽ mang lại thay đổi cho đất nước vạn đảo

Cuộc chiến của Tập Cận Bình

Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông là người có công thống nhất đất nước vào năm 1949, trong khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cuộc cải cách kinh tế tạo nên tăng trưởng chưa từng có cho đất nước tỷ dân. Vào năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tạo dấu ấn riêng bằng cuộc chiến "săn rồng" tham nhũng. Trong những năm qua, tham nhũng đã trở thành đại dịch ở Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cản trở đất nước này trở thành một cường quốc về kinh tế.

Ông Tập Cận Bình đã theo đuổi một cuộc chiến sinh tử khi tấn công vào những pháo đài trước đây được coi là "bất khả xâm phạm", như bỏ tù cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, bắt Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Từ Tài Hậu, và cựu uỷ viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Về cuộc chiến này, ông Tập đã phát biểu trước Bộ Chính trị rằng, ông không màng "sống chết và uy tín" để chiến đấu chống tham nhũng.

Ông yêu cầu các quan chức lãnh đạo cần học tập cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người được ca ngợi về thành tựu chống tham nhũng và cải cách kinh tế. Năm 1998, Thủ tướng Chu tuyên bố: "Hãy chuẩn bị 100 chiếc quan tài và dành một chiếc cho tôi. Tôi sẵn sàng cùng chết trong cuộc chiến này nếu nó mang lại ổn định kinh tế lâu dài cho đất nước và công chúng tín nhiệm sự lãnh đạo của chúng ta". Không cần những chiếc quan tài, nếu đẩy lui được nạn tham nhũng, ông Tập cũng sẽ ghi dấu ấn riêng trong hàng ngũ lãnh đạo tạo nên sự đổi thay lịch sử của Trung Quốc.

Thời cơ của Modi

Tại Ấn Độ, Mahatma Gandhi được nhân dân Ấn Độ tôn sùng là thánh nhân, nhà cải cách chính trị và tôn giáo, đã đi vào lịch sử nhân loại bằng phong trào đấu tranh bất bạo động chống lại thực dân Anh đòi độc lập cho Ấn Độ. Trong khi đó, Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo lập được văn hóa chính trị dân chủ cho đất nước Nam Á này.

Tân Thủ tướng Modi hiện nay có nhiệm vụ phải đặt nền móng cho sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc kinh tế toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này một cách bền vững, đòi hỏi phải cải cách sâu rộng, như việc loại bỏ các khoản trợ cấp lãng phí, tăng ngân sách y tế, thu hẹp thâm hụt ngân sách, loại bỏ các rào cản đối với thương mại và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Để giành chiến thắng mà không ảnh hưởng sự ổn định chính trị, gắn kết xã hội, Modi phải chứng minh rằng ông là một nhà lãnh đạo được tin tưởng, kể cả đối với cộng đồng 150 triệu người Hồi giáo. Nếu ông thành công, sẽ bước tiếp vào ngôi đền dành cho những nhà lãnh đạo có tính biểu tượng của đất nước mình.

Tâm điểm Jokowi

Trong trường hợp của Indonesia, hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất đến nay được ghi nhận là Sukarno, người nuôi dưỡng ý thức đoàn kết dân tộc ở một trong những quốc gia đa dạng nhất trên thế giới, và Suharto, người đã lật đổ Sukarno và tạo ra một nền tảng kinh tế mạnh đưa hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo.

Tân Tổng thống Jokowi bây giờ đang lãnh đạo một Indonesia trên đường trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á."Indonesia có nhiều tiềm năng để chiếm được vị trí số 1 trong ngành sản xuất ở châu Á nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế và chính trị”, Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng OCBC, nhận định.

Ông Jokowi trở thành Tổng thống Indonesia đầu tiên xuất thân từ một gia đình nghèo, không có liên hệ gì với chế độ độc tài trong quá khứ, đánh dấu sự trỗi dậy của một thế hệ chính khách mới tại đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới với gần 250 triệu dân. Năm nay 53 tuổi, ông muốn tiếp tục các cải cách dân chủ của kỷ nguyên hậu Suharto (1967-1998). Jokowi từng ghi dấu ấn với thành công trong vai trò Thị trưởng thành phố Surakarta và Thống đốc Jakarta.

Tuy nhiên, lặp lại thành công này ở cấp quốc gia sẽ không dễ dàng. Jokowi, người sẽ nhậm chức vào tháng 10/2014, phải thực hiện các chính sách giải quyết vấn đề bất bình đẳng gia tăng, trợ cấp nhiên liệu bền vững, tham nhũng, cơ sở hạ tầng, và luật lao động hạn chế. Những thách thức phải đối mặt với Jokowi sẽ phức tạp bởi thực tế là liên minh cầm quyền của ông chỉ chiếm khoảng một phần ba số ghế trong quốc hội. Nhưng ông đang nắm trong tay cơ hội đưa Indonesia hướng tới thịnh vượng và đoàn kết hơn. Nếu biến cơ hội này thành hiện thực, Jokowi, con một gia đình nông dân, sẽ bước vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo ưu tú nhất của xứ vạn đảo.

Một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc về các nước châu Á-Thái Bình Dương cho thấy châu Á là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong nhiều thập niên qua, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6% kể từ năm 1990. Nếu xu hướng này tiếp tục, nền kinh tế châu Á sẽ vượt cả hai nền kinh tế của Mỹ và châu Âu hợp lại trong vòng chưa đầy 2 thập niên nữa.

Thế nhưng, "trong khi tương lai của châu Á bắt đầu tươi sáng" thì "thành công của nó lại không được đảm bảo", Changyong Rhee - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại khu vực châu Á nhận định. Bởi sự thành công đó chủ yếu phụ thuộc vào sự lựa chọn cách kết hợp chính sách một cách chính xác để vừa ngăn chặn những rủi ro và vừa đảm bảo tăng trưởng an toàn.

Vì thế, theo chuyên gia Kishore Mahbubani, Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), những cam kết cải cách của các nhà lãnh đạo cấp tiến như Tập Cận Bình, Modi và Jokowi sẽ quyết định tới sự lựa chọn không chỉ của đất nước họ, mà cho cả châu Á và toàn cầu.

 

LAM HỒNG

 


Tin tức khác