Những con thuyền dũng cảm ra khơi


Buổi sáng, phiên chợ sau Rằm ở Đà Nẵng vẫn đông đúc. Khắp chợ là những gánh cá tươi. Người dân miền Trung lúc này cầm con cá lên mua với biết bao cảm xúc. 

Từ già đến trẻ đều thấm thía, có con cá tươi là nhờ các ngư dân của ta đã không nề hà nguy hiểm sóng to gió lớn, giờ là nguy hiểm đến từ những con tàu hung hăng và phi pháp của Trung Quốc đang quấy nhiễu ngày đêm.

Trong ngày 12/5, nhiều đội tàu cá của Đà Nẵng và Quảng Nam lại lên đường, tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa quen thuộc. Những tin tức đầu tiên cho thấy đội tàu cá giống như những cột mốc sống trên biển, tiến sát dần đến ngư trường đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Giữa sóng nước mênh mông, thuyền của ngư dân bị tàu cảnh biển Trung Quốc rượt đuổi, dồn ép, nhưng họ vẫn quyết bám biển. Ngày 13-14/5, 30 tàu cá của ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đồng loạt hú còi tạm biệt đất liền để đến Hoàng Sa, sát cánh cùng các đơn vị chấp pháp trên biển đấu tranh với đoàn tàu hung hăng của Trung Quốc.

Thật vô cùng cảm động khi thấy hình ảnh những tàu cá khá nhỏ so với tàu Trung Quốc, vẫn kiên trì tránh sự rượt đuổi hung hăng và bền bỉ vừa đấu tranh vừa tiếp tục đánh bắt hải sản.

Ông Phạm Ngọc, ngư dân xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sáng 14/5, vừa cùng con cháu tất bật chuẩn bị lương thực, ngư lưới cho chuyến ra khơi, vừa tâm sự: "Hoàng Sa là ngư trường quen thuộc của chúng tôi, những người làm nghề mực khơi trên biển thuộc từng con sóng mỗi mùa đi biển, luồng lạch qua lại. Không có lý gì họ bảo đấy là lãnh hải của họ. Ngư dân chúng tôi quyết bám biển và không hề sợ hãi!".

Ông Phạm Ngọc cũng cho biết, toàn xã Tam Giang chưa có con tàu nào nằm bờ sau vụ tàu của bạn thuyền bên đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và húc vỡ nát hồi đầu tháng 5 vừa qua. Điều thú vị là trên tàu của ông Phạm Ngọc, có rất nhiều thanh niên, những người mới ở độ tuổi học nghề, đã không sợ ra biển đương đầu với nhiều bất trắc như vậy.

Những thanh niên này nói rằng: "Cha ông chúng tôi bao đời đều bám Hoàng Sa với nghề câu mực khơi. Gia đình chúng tôi đã có miếng cơm manh áo nhờ nghề này. Khi ngư trường đang bị Trung Quốc xâm lấn, thì chính chúng tôi phải sát cánh cùng các đơn vị ra bảo vệ Hoàng Sa".

Mỗi buổi chiều những con tàu nhỏ bé lại ra khơi. Đầu tháng 5, tàu cá QNg 96416 TS, do ngư dân Nguyễn Lộc (ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống vùng biển đảo Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), đã bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi suốt 4 giờ đồng hồ.

Các thuyền viên đã dũng cảm bám trụ quyết không rời vị trí đánh bắt. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc manh động đâm trực diện vào tàu QNg 96416 TS làm tàu này bị bể một phần thân tàu, phải nhờ các tàu bạn kè vào cảng Lý Sơn. Được sự giúp đỡ của Quỹ Bảo trợ Ngư dân tại Quảng Ngãi với kinh phí 400 triệu đồng, con tàu đã nhanh chóng được sửa.

Đến ngày 15/5, các thuyền viên và tàu QNg 96416 TS lại chuẩn bị để sớm trở lại Hoàng Sa, vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia đấu tranh đòi dỡ bỏ giàn khoan Haiyan Shiyou - 981 hoạt động trái phép trong lãnh hải Việt Nam.

Sự can đảm ấy dựa trên nền tảng ngư dân Việt Nam không cô đơn trong cuộc chiến đấu này. Khắp nơi, phong trào ủng hộ ngư dân bám biển bằng sức người, sức của đang diễn ra rầm rộ trên cả nước, giúp ngư dân trở lại ngư trường Hoàng Sa bằng sự đóng góp thiết thực.

 

HỒNG BÍCH

 

 

 

 


Tin tức khác