Chú trọng đào tạo nhân lực doanh nghiệp


Cách đây gần ba thế kỷ, danh nhân Lê Quý Đôn đã tổng kết và đề ra bốn nguyên lý để phát triển đất nước. Đó là: Phi nông bất ổn/ Phi công bất phú/ Phi thương bất hoạt/ Phi trí bất hưng. Bốn nguyên lý đó đều có liên quan tới hoạt động của giới doanh nhân Việt Nam nói chung, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nói riêng.

                      

                                             Ông Lê Tấn Bình - Phó Viện trưởng Viện Leadman

Trong đó, ba trụ cột đầu nông - công - thương là nhiệm vụ và sứ mệnh của giới doanh nhân nói chung và của HUBA từ ngày đầu thành lập đến nay, nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chữ "trí” trong câu nói của Lê Quý Đôn, ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công - nông - thương chưa được quan tâm đúng mức trong hoạt động của HUBA trước đây.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp so với các nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2010.

Trong khi con số này ở Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94. Với hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động, nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, mới chiếm 40%.

Cơ cấu ngành nghề cũng mất cân đối, các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông, lâm, ngư nghiệp còn ít và chiếm tỷ trọng thấp, trong khi đó các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại quá cao.

Ngành giáo dục - đào tạo đã không làm tròn sứ mệnh của mình. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng, hằng năm các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng chi phí không nhỏ cho công tác đào tạo lại.

Hiểu được khó khăn và bức xúc của các doanh nghiệp, Ban lãnh đạo HUBA nhiệm kỳ 4 đã cố gắng tìm mọi cách nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực cho các doanh nghiệp.

Một trong những nỗ lực đó, ngày 19/3/2010, Chủ tịch HUBA đã có Quyết định số 112/QĐ-HH về việc thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp (Viện Leadman) như là một biện pháp của Hiệp hội nhằm giúp các doanh nghiệp trong công tác đào tạo lại cũng như nâng cao kiến thức kỹ năng cho đội ngũ nhân viên.

Hằng năm, Viện Leadman đào tạo cho gần 4.000 lượt học viên trong nhiều lĩnh vực quản trị doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty ở TP.HCM và trong cả nước như: Tập đoàn Xây dựng Posco (Hàn Quốc), Tập đoàn Coteccons, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty Cấp nước Chợ Lớn, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, Công ty Tân Cảng...

Về công tác nghiên cứu khoa học, Viện Leadman đã chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố và tổ chức hai hội thảo khoa học quốc tế. Đặc biệt, được sự phân công của lãnh đạo HUBA, Viện đã thiết kế và biên soạn chương trình đào tạo doanh nhân TP.HCM trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Theo kế hoạch này, HUBA được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức 165 khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2013 - 2015. Trong đó, năm 2013 đã tổ chức đào tạo 37 lớp với 1.710 lượt học viên.

Định hướng lâu dài, theo kinh nghiệm ở các nước phát triển, việc thành lập một học viện doanh nhân, chuyên sâu nghiên cứu - đào tạo kiến thức và kỹ năng thiết thực, hữu ích cho giới doanh nhân và cán bộ chuyên viên các công ty là mơ ước của lãnh đạo HUBA.

 

NGUYỄN TẤN BÌNH - Phó viện trưởng Viện Leadman

 

 

        


Tin tức khác